Những tình cảm của Bác Hồ với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Thứ sáu - 17/11/2023 06:35
Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh trong xu thế chung của lịch sử dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ đã dành nhiều tình cảm cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Không những là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Bác chính là người đặt nền móng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bác sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bác Hồ thăm cán bộ, công nhân nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội, ngày 13/5/1959. Ảnh chụp tư liệu.
Bác Hồ thăm cán bộ, công nhân nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội, ngày 13/5/1959. Ảnh chụp tư liệu.
Công hội Đỏ là tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Sự ra đời và trưởng thành lớn mạnh của Công hội Đỏ Bắc kỳ gắn liền với hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ 20. Sau nhiều năm hoạt động ở các nước Châu Mỹ, châu Âu, năm 1917 Bác tham gia Công đoàn nước Anh; cuối năm 1918, Bác tham gia Đảng Xã hội Pháp rồi trở thành đoàn viên của tổ chức Công đoàn Kim khí Pháp. Năm 1919, Người giúp cho ông Nguyễn Tạo - một Việt kiều ở Pháp thành lập công đoàn thủy thủ của những người Việt Nam tại Mac-xây Lô-ha-vơ-tơ. Những năm ở nước ngoài, Bác Hồ đã tìm hiểu, nghiên cứu về tôn chỉ mục đích, hình thức nội dung và hình thức hoạt động của các tổ chức công đoàn các nước châu Âu; sau này Bác tìm hiểu công đoàn các nước thuộc địa châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… để rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thành lập công đoàn Việt Nam sau này. Bác đã viết báo nói về công đoàn và đã nhấn mạnh trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927: “Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; 2 là để nghiên cứu với nhau; 3 là để sửa sang cách sinh hoạt của công đoàn cho khá hơn bây giờ; 4 là gìn giữ quyền lợi cho công nhân; 5 là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Ngày 28-7-1929, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam, tiền thân của Công đoàn Việt Nam ngày nay. Ban Chấp hành lâm thời Công hội Đỏ có 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời “Đông Dương Cộng sản Đảng” làm Chủ tịch lâm thời. Từ đây, tổ chức Công hội Đỏ đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đã tạo sự chuyển biến tình hình cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đánh dấu một bước ngoặc về sự chuyển từ tính tự phát thành tự giác trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ở những năm đầu của thế kỷ 20, thật sự là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng sau này, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, từng bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác Công đoàn và phong trào công nhân lao động; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác Công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp, lâm trường… Bác đã trực tiếp ký Sắc lệnh ban hành Luật Công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích của tổ chức công đoàn: “Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”(1); đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành Quỹ bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động Công đoàn và bảo đảm lợi ích thiết thực của người lao động.
Với Bác Hồ, Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện tốt, cán bộ Công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân: Ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà.
Người yêu cầu, công đoàn các cấp phải đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ. Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Trong nội bộ tổ chức Công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một Chỉ thị, Nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực.
Trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học viên Trường cán bộ Công đoàn ngày 19-1-1957, Người nêu rõ 6 nhiệm vụ cơ bản của Công đoàn là:
Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc. Bởi thế, Công đoàn phải hiểu để giải thích cho công nhân hiểu: Công nhân không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được, không thắng lợi được. Vậy phải tuyên truyền sâu rộng chính sách chung của Đảng trong hàng ngũ giai cấp công nhân.
Công đoàn phải giáo dục cho công nhân về đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng.
Công đoàn và cán bộ Công đoàn phải học trước để hiểu biết khoa học.
Nội bộ công nhân phải đoàn kết, nhà máy này đoàn kết với nhà máy khác, cán bộ công nhân miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết. Ta kháng chiến thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta xây dựng nền hòa bình thắng lợi cũng nhờ đoàn kết. Ta đoàn kết nội bộ công nhân đồng thời củng cố sự liên minh của công nhân và nông nhân là hai giai cấp lớn nhất, mạnh nhất.
Công đoàn và cán bộ công đoàn phải tìm cách này hay cách khác giải thích cho công nhân hiểu rõ tình hình trong nước và ngoài nước… phải giải thích cho họ hiểu. Nếu không họ sẽ hoang mang… Do hiểu được tình hình mà nâng cao tinh thần yêu nước của công nhân.
Công đoàn phải lãnh đạo, hướng dẫn công nhân. Lãnh đạo phải cụ thể, không quan liêu. Phải dân chủ bàn bạc với anh em công nhân. Phải kiểm tra. Làm mà không kiểm tra thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa(2).
Khi đề cập công tác Công đoàn, Người chỉ rõ tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt” (3). Người yêu cầu công đoàn các cấp phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và đoàn kết; Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, sâu sát và thiết thực”.
Lần đầu tiên tham dự Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng(4).
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc năm 1962, Bác Bác căn dặn cán bộ Công đoàn: “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lí kinh tế, khoa học kỹ thuật…” (5).
Bác nhắc nhở: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”“phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế” thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hóa, kỹ thuật. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được? Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn. Người khẳng định “Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động”. Bác lưu ý: “Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.
Từ những lời dạy của Bác, tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, góp phần làm giàu cho đất nước. Trong những năm 1960, nhiều phong trào thi đua lớn đã được phát động mang lại những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, phong trào “Tăng gia sản xuất”, “Tất cả cho tuyền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua hai tốt”… đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử Công đoàn Việt Nam.
Không lâu trước lúc đi xa, Bác đã dành một trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng với đại biểu của Tổng Công đoàn Việt Nam vào tháng 7 năm 1969. Người nhắc nhở: “Làm tốt công tác vận động, tổ chức giáo dục quần chúng công nhân viên chức làm tròn vai trò tiên phong cách mạng, để họ hiểu và tự nguyện, tự giác giữ gìn kỷ luật lao động, giữ gìn của công, thực hành tiết kiệm”.
Trong suốt cuộc đời, Người luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt, dành nhiều thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và sự phát triển của tổ chức Công đoàn. Người luôn có những mong muốn mãnh liệt trong việc xây dựng một giai cấp tiên phong, tiên tiến, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Cho đến phút cuối đời, Người vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, bởi vì hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng: Tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này. Thấm nhuần những lời dạy của Bác, nhất là từ sau ngày đất nước đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển không ngừng. Kiến thức và trình độ nghề nghiệp của giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức được nâng cao. Tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Cán bộ công đoàn Việt Nam vẫn luôn ghi sâu những lời dạy ân tình của Bác: Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ Công đoàn tốt.
Làm theo lời dạy của Người, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng phát triển và trưởng thành, trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động của cả nước; Công đoàn Việt Nam đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng và Nhà nước, là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với khẩu hiệu: “Đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước”; “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Mỗi ngành, mỗi người hãy cùng nhau ra sức thi đua, “lao động giỏi - lao động sáng tạo”, thiết thực chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp.
                                                               
--------------------
(1)  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, Tập 8, trang 297.
(2)  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, Tập 8, trang 295, 296. 
(3)  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, Tập 10, trang 586.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, Tập 10, trang 291. 
(5)  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, Tập 12, trang 568.
 

Tác giả bài viết: Hoàng Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN WEBSITE BADONTV.VN - TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP TRUNG TÂM VĂN HÓA-THỂ THAO VÀ TRUYỀN THÔNG THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ Website: badontv.vn Tên gọi: BĐRT (BaDon Radio Television) Trang thông tin điện tử tổng hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông (Trung tâm VH-TT&TT) thị xã Ba Đồn. Tôn chỉ, mục đích: Website được xây dựng, hoạt động nhằm đăng tải, lưu trữ các văn bản bao gồm tin tức, sự kiện,...

Thống kê
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay16,790
  • Tháng hiện tại16,790
  • Tổng lượt truy cập34,446,317
SĐT nhận cung cấp thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây